LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội:
Những Ngày Đầu (tt)

Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 

 Lẽ tự nhiên ta muốn  có hình của người ở xa mà ta có liên hệ  quan trọng. Lòng ao ước lại càng mạnh hơn nữa đối với vị thầy tinh thần, khi ta thay thế ý tưởng thông thường về sự sống với ý cao quí hơn trong tâm. Từ khi được tiếp xúc với Chân sư, tôi rất mong muốn là nếu không gặp được trong đời thì ít nhất có hình của ngài  mà tôi tôn kính. Tôi đề nghị với HPB nhiều lần là tạo ra hình cho tôi, và được bà hứa sẽ làm khi có dịp thuận tiện.Ở đây bà không được phép kết tụ hình cho tôi mà dùng một cách khác giản dị hơn, là để cho người không phải là đồng cốt hay huyền bí gia vẽ hình mà không biết họ đang làm gì.
Một người bạn của chúng tôi, ông Harrise người Pháp, biết vẽ. Tối hôm đó khi câu chuyện quay sang Ấn Độ và dạ can đảm của người thuộc giai cấp Rajput ở đó, HPB thì thầm với tôi là bà sẽ tìm cách nhờ ông vẽ chân dung của Chân sư nếu tôi cung cấp vật liệu. Trong nhà không có gì hết nên tôi ra cửa hiệu gần đó mua tờ giấy cần thiết với bút chì trắng và đen.Người bán hàng gói kỹ, đưa cho tôi ngang qua quầy, nhận đồng nửa dollar tôi trả cho họ, và tôi rời cửa hàng đi về. Tới nhà tôi mở gói giấy và khi làm xong, hai đồng hai mươi lăm xu bằng bạc lăn ra rớt xuống sàn nhà, tổng cộng là nửa dollar ! Vị Chân sư muốn tôi hiểu rằng ngài tặng cho tôi bức chân dung của ngài và tôi không phải tốn phí chi.
Khi ấy HPB xin ông Harrise vẽ cho chúng tôi đầu một bậc trưởng thượng người Ấn, theo cách hình dung của ông. Harrise đáp ông không có ý tưởng rõ rệt trong trí và muốn phác họa một hình khác; nhưng tôi nài nỉ thành ra để làm tôi vui lòng ông chịu vẽ đầu của một người Ấn. HPB ra dấu cho tôi giữ yên lặng phía bên kia gian phòng, còn bà đi tới ngồi gần họa sĩ làm thinh hút thuốc. Thỉnh thoảng bà đi nhẹ ra sau lưng ông như để xem việc tiến hành tới đâu, mà không nói gì cho tới lúc xong cuộc khoảng một giờ sau.Tôi nhận hình đầy lòng biết ơn, đem đóng khung và treo trong phòng ngủ nhỏ của mình.
Nhưng một chuyện lạ xẩy ra. Sau khi chúng tôi nhìn lần chót bức hình nằm trước mặt họa sĩ, và khi HPB lấy nó từ tay họa sĩ đưa cho tôi, chữ ký của Guru tôi hiện ra trên giấy, và như vậy đặt ấn chứng của ngài vào hình làm tăng bội giá trị món quà của ngài cho tôi. Tuy nhiên vào lúc đó tôi không biết hình vẽ có giống Guru hay không, vì tôi chưa gặp mặt ngài. Về sau khi được diện kiến, tôi thấy đó là hình giống thực, mà hơn thế nữa còn được tặng chiếc khăn đội đầu mà họa sĩ tài tử vẽ trong hình.
Đây là trường hợp chân thực về việc truyền tư tưởng, truyền hình dạng một người vắng mặt vào tâm thức não bộ của người khác hoàn toàn xa lạ. Nó có phải truyền qua tư tưởng của HPB không ?Tôi tin là có. Ở đây ký ức của riêng HPB làm cho hình được truyền qua tâm trí ông Harrisse, và quyền năng huyền bí được luyện tập của bà cho phép HPB chuyển trực tiếp không qua trung gian nào, tức không cần trước hết phải vẽ xuống giấy cho bà tượng hình trong trí, và rồi chuyển nó sang trí người nhận.
Hình do họa sĩ Schmiechen vẽ cũng vị Chân sư này và một Vị khác nay treo tại Adyar Library, lại là một chuyện khác còn lý thú hơn nữa, vì vẻ mặt giống hoàn toàn và linh động như thể thấm nhuần sức sống. Mắt các ngài nói với ta và dò xét tận đáy lòng ta, tia mắt của ngài theo ta ở bất cứ chỗ nào ta đi tới, đôi môi dường như sắp thốt những lời tốt lành hay khiển trách tùy theo ta xứng đáng ra sao. Bức chân dung là sự gợi hứng hơn là sự biểu lộ việc truyền tư tưởng.
Họa sĩ làm hai hay ba phiên bản của chân dung, nhưng không bản nào có thần như trong bản chính. Chúng không được vẽ trong trạng thái thiêng liêng hứng khởi, và năng lực ý chí của Chân sư không tụ vào hình.Bản chính treo tại trụ sở hội, còn những phó bản giống như hình thấy trong tấm gương, có chi tiết về hình dạng và mầu sắc mà không có tinh thần sinh động.

Xuất Vía.
Sự hiện hữu của thể tình cảm và việc nó có thể tách rời khỏi thể xác chỉ được biết bằng một trong hai cách, là ta nhìn thấy thể tình cảm của người khác, hay ta thoát ra khỏi thể xác và đứng ngoài nhìn thân xác của mình. Khi có được một trong hai kinh nghiệm thì người ta có thể nói là mình BIẾT; còn khi có cả hai thì sự hiểu biết trở thành tuyệt đối không gì lay chuyển được. Tôi có được cả hai điều ấy.Tôi xin làm nhân chứng xác nhận sự thật để giúp ai cùng ý hướng với tôi.
Chỉ xin nói lướt qua chuyện tôi thấy HPB trong thể tình cảm của bà trên đường phố New York, trong khi thể xác bà ở tại Philadelphia; thấy tương tự một người bạn mà thân xác ở tiểu bang phía nam cách xa mấy trăm dặm đường; thấy một Vị Chân sư trên xe lửa và trên tầu ở Hoa Kỳ với  ngài  hiện diện bằng xương bằng thịt tại Á châu; nhận được từ tay một Vị khác tại Jummu bức điện tín HPB gửi đi từ Madras; Chân sư lấy hình dạng người phát thư mà  ngài  mượn trong phút chốc để làm việc này, rồi tan loãng đi phút sau đó giữa ánh trăng vằng vặc sáng, khi tôi bước ra cửa nhìn theo  ngài ; được một trong các ngài chào ở Bombay trên cầu Worli, vào chiều tối oi ả khác của miền nhiệt đới, khi HPB, Damodar và tôi ngồi trên xe hưởng gió mát từ biển thổi vào với tia chớp; thấy  ngài  từ  xa đi về phía chúng tôi, tới bên xe, đặt tay lên đầu HPB, bước đi ra xa khoảng năm mươi thước và đột nhiên biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi, ở nơi không có bụi rậm, cây hay chỗ ẩn núp nào, giữa tia chớp sáng lóe.
Tôi đã chứng kiến những cảnh này cùng có nhiều kinh nghiệm khác, và có một kinh nghiệm lớn lao hơn hết về hệ quả cho đời tôi. Nó là nguyên nhân chính trong số các nguyên nhân làm tôi rời bỏ thế giới và sang Ấn Độ. Vì vậy nó là một trong các yếu tố chính của việc tạo dựng hội Theosophia. Tôi không muốn nói rằng nếu không có việc này hẳn tôi sẽ không sang Ấn, vì tim tôi đã giục giã tôi đi, từ lúc nghe Ấn Độ là sao đối với thế giới, và đất nước này có thể là như vậy trở lại. Một nỗi ao ước bất tận thúc đẩy tôi tới vùng đất của đức Phật, nơi của thần thánh, chỗ thiêng liêng giữa nhiều địa điểm.
Nhưng tôi không thấy cách nào rõ ràng để dứt sự ràng buộc tôi vào Hoa Kỳ do hoàn cảnh, tuy nhiên kinh nghiệm này sắp đặt vận mạng cho tôi, lòng do dự trong phút chốc tan biến hẳn, viễn ảnh sáng sủa do ý chí khẳng định cho thấy con đường, và trước lúc rạng đông của đêm không ngủ ấy, tôi khởi sự tìm cách và sắp xếp mọi việc để tới đích. Đó là việc được Chân sư đến thăm và để lại chiếc khăn quấn đầu làm bằng chứng, như đã kể trong chuyện HPB.
Nay xin nói về kinh nghiệm riêng của tôi với chuyện xuất vía; tôi xin đưa ra lời khuyến cáo cho ai chưa biết là việc xuất vía không là bằng chứng cho sự phát triển cao về mặt tinh thần. Ta không nên chỉ dựa vào việc ai đó có thể di chuyển bằng thể tình cảm - hữu thức hay vô thức không quan hệ - như là chứng cớ rằng người đó tốt đẹp hơn, khôn ngoan hơn, tiến xa về mặt tinh thần hơn, hay có tư cách để làm Guru hơn ai khác không biết xuất vía.
Sự việc chỉ là dấu hiệu muốn nói người đó, do bẩm sinh hay tập luyện, làm thể tình cảm của họ lơi ra, và do vậy dễ xuất vía ra khỏi xác và trở về khi thể xác ngủ tự nhiên hay bị thôi miên, và do đó không cản trở. Chuyện xuất vía xẩy ra rất thường cho người không quan tâm gì về điều huyền bí, không hề cố công tập nó, và không có gì hơn người trung bình về mặt đức hạnh, tư tưởng hay lý tưởng tinh thần, mà đôi khi còn ngược lại. Sau đây là vài sự kiện tôi có.
Một buổi tối năm 1876, lúc HPB và tôi ngụ tại West 34 th street, hai chúng tôi vừa viết xong một chương trong bản thảo cuốn Isis Unveiled. Khi sắp chia tay đi ngủ, chúng tôi xếp chồng giấy lớn này vào hộp với trang đầu nằm trên cùng và trang chót nằm dưới đáy của chồng giấy. Apartment của tôi ở lầu hai, còn HPB ở lầu một ngay dưới  apartment của  tôi, và tự nhiên là cả hai chúng tôi khóa cửa lớn ra vào để ngăn kẻ trộm.
Lúc thay y phục tôi chợt nghĩ là nếu thêm ba chữ vào câu cuối trong đoạn cuối thì nghĩa của trọn đoạn ấy sẽ mạnh hơn. Tôi sợ là sáng mai sẽ quên nên nẩy ra ý là thử xuất vía đi xuống phòng làm việc ở tầng dưới, và không chừng viết luôn. Tôi chưa hề làm vậy bao giờ, nhưng biết phải làm sao, tức là giữ sẵn mạnh mẽ ý định trong trí khi đi ngủ, và tôi làm y thế. Tôi không biết gì thêm cho đến sáng hôm sau, sau khi ăn mặc tề chỉnh và ăn sáng xong, tôi ghé qua căn phòng của HPB chào bà trước khi đi làm. Bà nói.
– Này, xin ông nói nghe tối qua ông làm gì sau khi đi ngủ ?
– ‘Làm’, bà muốn nói gì vậy ?
Bà đáp
– Thế này, tôi lên giường và đang nằm yên thì lạ chưa, tôi thấy thể tình cảm của ông thấm qua vách tường, trông ngầy ngật và buồn ngủ nữa !Tôi nói chuyện với ông nhưng ông không trả lời.Ông đi tới phòng làm việc và tôi nghe ông lục lạo giấy tờ và chỉ biết có thế thôi. Ông làm gì vậy ?
Khi ấy tôi kể cho bà nghe ý định làm thí nghiệm của tôi, rồi hai chúng tôi cùng đi vào phòng đó, trút chồng bản thảo ra khỏi hộp và ở đoạn cuối, thấy hai trong ba chữ mà tôi muốn thêm được viết rõ ràng với nét chữ của tôi, chữ thứ ba bắt đầu nhưng không viết trọn, làm như sức định trí cạn và chữ chấm dứt bằng một vệt dài ! Tôi không thể nói là làm sao mình cầm cây viết chì, nếu có cầm nó, hay làm sao tôi viết chữ mà không cầm. Sao đi nữa, thí nghiệm quả hữu ích. Độc giả nên lưu ý sự kiện là hiện tượng ngưng lại ở điểm do thiếu kinh nghiệm, tôi đã để ý chí vẩn vơ không còn trụ vào công việc đang làm. Trụ nó không lay chuyển là điều tuyệt đối phải có, y như đó là sự thiết yếu để làm tốt đẹp việc ở cõi trí tuệ bình thường.
Tôi nhớ lại một trường hợp khác của việc tôi xuất vía và luật phản hồi - repercussion tác động ra sao. Luật có nghĩa điều gì động chạm vào thể tình cảm khi nó xuất ra ngoài và di chuyển như là một thể riêng biệt, như đâm, chém, đánh hay điều gì gây tổn thương khác, sẽ phản ảnh trở lại lên thể xác. Trong phòng làm việc của chúng tôi tại ‘Lamasery’, trên tường có treo một đồng hồ chim cu của Thụy Sĩ đằng sau ống khói lò sưởi, và thói quen thường lệ của tôi là lên dây đồng hồ mỗi đêm trước khi về phòng đi ngủ.
Một buổi sáng khi rửa mặt lúc thức dậy, tôi soi gương thấy mắt phải bầm xanh đen, làm như tôi bị ai dùng tay đấm vào. Tôi không thể nhớ chuyện gì xẩy ra, và lại càng thắc mắc khi thấy chỗ bị bầm không đau đớn chi. Dù ráng moi óc để tìm lời giải thích, tôi vẫn không có câu trả lời. Phòng ngủ của tôi không có cột, góc tường nhô ra hay vật cản trở gì có thể khiến tôi bị thương, nếu cho là tôi bị mộng du nhưng tôi chưa hề làm vậy. Rồi, nếu cú đấm dữ dội mạnh tới nỗi làm mắt tôi bầm đen thế này, bắt buộc phải khiến tôi tỉnh dậy ngay lúc ấy, tuy nhiên tôi đã ngủ suốt đêm yên tĩnh như thường lệ.
Thành ra tôi vẫn còn hoang mang cho tới khi xuống bàn ăn sáng, gặp HPB và bà bạn ở lại đêm qua trong phòng với bà. Bà bạn cho tôi manh mối sự việc, bà nói.
– Đại tá này, đêm qua hẳn ông phải bị đụng đầu khi đi xuống lên dây đồng hồ chim cu !
– Lên dây đồng hồ, tôi đáp, bà muốn nói gì vậy ? Bả không có khóa cửa phòng khi tôi về phòng của tôi ư ?
– Có, bà đáp, tôi tự tay khóa nhưng làm sao ông lại có thể đi vào. Cả Madame và tôi thấy ông đi qua cánh cửa phòng ngủ chúng tôi, và nghe ông kéo dây thiều để lên dây đồng hồ. Tôi gọi mà ông không trả lời rồi tôi không thấy gì nữa.
Nào, tôi nghĩ, nếu tôi có vào phòng bằng thể tình cảm và lên dây đồng hồ thì có hai chuyện không thể tránh được.
– Đồng hồ phải cho thấy là nó được lên dây hồi tối qua và chạy chưa hết dây.
– Phải có vật gì cản trở trên đường tôi đi giữa cánh cửa và ống khói lò sưởi là chỗ mà tôi có thể đập mắt vào.
Chúng tôi xem xét gian phòng thì thấy:
i/ Đồng hồ chạy đều và có vẻ như được lên dây cùng lúc như mọi lần.
ii/ Gần cánh cửa có treo một kệ sách nhỏ, mà góc xa nhất của một ngăn kệ ở đúng vào tầm mắt tôi nếu tôi đâm sầm vào nó.
Tôi nhớ lại mơ hồ là mình từ bên kia căn phòng đi tới cánh cửa, với tay phải dang thẳng ra như để quờ quạng tìm cửa, rồi có chấn động mạnh thấy nháng sao như người ta thường nói, xong tâm thức mờ mịt cho tới sáng.
Tôi thấy chuyện thật lạ lùng, một cú đập mạnh vào đầu hẳn phải lập tức làm người ta tỉnh dậy, thế nhưng khi đánh vào thể tình cảm lại để dấu vết trên thể xác mà không làm ta choàng tỉnh.Trường hợp còn muốn nói một điều khác. Nó cho thấy là khi điều kiện thuận lợi cho việc xuất vía, thể tình cảm thường thoát ra do kích thích của tư tưởng định sẵn, thí dụ thói quen làm việc gì vào giờ nhất định. Giả thử điều kiện không thuận lợi để xuất vía, đương sự trong loạt điều kiện khác trở thành mộng du, ra khỏi giường, đi và làm điều gì trong trí rồi về giường ngủ tiếp và không nhớ việc đã xẩy ra.
Một trong những kinh nghiệm lý thú nhất tôi có là gặp người lạ đối với tôi ở những nơi khác nhau trên thế giới, nói rằng:
– Đã thấy tôi ở nơi công cộng
– Đã thăm họ trong thể tình cảm
– Đôi khi bàn luận với họ về những vấn đề huyền bí,
– Đôi khi chữa bệnh cho họ,
– Đôi khi còn đi với họ bên cõi tình cảm đến thăm Chân sư của chúng ta.
Vậy mà tôi không nhớ chút gì các chuyện này.
Tuy nhiên khi nghĩ kỹ thì không phải là không có lý, bởi ai mà trọn sự sống và mỗi tư tưởng và ước muốn gắn liền vào phong trào vĩ đại của chúng ta, hẳn sẽ tiếp tục mang theo mối bận tâm của mình vào giấc ngủ, và nương theo làn sóng ở cõi ấy đến những ai đồng chí hướng, những ai được thu hút bởi cùng mong mỏi và ước nguyện.
Năm 1878, sau khi hội ý với HPB tôi chia ra người trong hội làm ba nhóm, một là hội viên còn liên hệ với cuộc sống trong đời; hai là đệ tử là những người như tôi đã tách rời khỏi thế giới hay sẵn sàng làm vậy; và ba là các đạo sư không nhất thiết là hội viên nhưng ít nhất có liên kết với chúng ta, và quan tâm đến việc làm của chúng ta là mang lại sự tốt đẹp tinh thần cho thế giới. Đây là ba cấp bậc thuở ban đầu của Hội.

LAMASERY - Lama Viện
Đây là nơi cư ngụ chót của HPB và ông Olcott từ năm 1876 cho đến khi hai vị sang Ấn Độ năm 1878. HPB ở tầng một còn ông Olcott ở tầng hai. Ta hãy nghe ông thuật tiếp.
Vài hiện tượng tôi chứng kiến ở đây thật lạ lùng.Một hôm tôi gặp người quen tại thành phố New York nên đứng lại trò chuyện một lát.Người này rất có thành kiến với HPB và nói năng khe khắt về bà, giữ riệt lấy ý mình dù tôi nói sao cũng mặc.Ông dùng chữ khó nghe quá nên tôi bực mình vội vã bỏ đi.Tôi về nhà vào giờ thường lệ cho bữa tối và lên phòng riêng để rửa mặt. HPB đi trong hành lang ngang qua cửa mở và chào tôi.
Bồn rửa tay đối diện với cửa và bức tường trắng bên trên bồn trống trơn không có tranh ảnh hay vật chi. Sau khi rửa mặt tôi chải đầu và thấy có gì đó mầu lục phản chiếu trong gương. Nhìn kỹ thì đó là tờ giấy mầu lục có chữ viết trên ấy và dính vào tường ngay bên trên bồn rửa tay, nơi mà chỉ một phút trước đó tôi bận rộn không thấy có gì ngoài bức tường trống trước mặt. Tôi thấy tờ giấy được gắn vào tường với ghim ở bốn góc, và chữ viết là một số câu trích từ kinh Pháp Cú, viết theo kiểu đặc biệt, ký tên một vị Chân sư ở góc bên dưới.
Thư khiển trách tôi là đã để cho HPB bị nói xấu mà không bênh vực bà, muốn nói không sai chạy việc tôi gặp ngoài phố người đã đứng lại nói chuyện, tuy không nhắc đến tên ai.Tôi về nhà chưa đến năm phút, không nói với ai về chuyện đã xẩy ra ngoại trừ vài lời chào hỏi với HPB ở cửa phòng.Thực sự là tôi quên bẵng câu chuyện.
Đây là một trong những hiện tượng loại cao, cần dùng đến thông nhĩ - clairaudience hay việc đọc tư tưởng từ xa, và tạo ra văn bản mà không cần có tiếp xúc, hay viết nó theo cách thông thường, gắn lên tường trước khi tôi về nhà và rồi ngăn không cho tôi thấy ở phút trước, tới phút sau tôi sáng mắt trở lại và thấy nó.
Điều sau có vẻ là giải thích hợp lý hơn mà cho dù vậy, ta thấy hiện tượng khéo léo ra sao; đầu tiên là thông nhĩ ở cách đây ba dặm, rồi việc làm mờ mắt tôi mà không gây chút nghi ngờ nào trong trí tôi về việc diễn ra cho mình. Tôi cẩn thận giữ tờ giấy mầu lục cho đến năm 1891, khi mang theo người trong chuyến đi vòng quanh thế giới và bị lạc mất.
Có lần HPB vẽ một bức hình trào lộng để diễu tôi, phác họa luôn vài vị Chân sư trong đó.Điều này cho độc giả thấy tâm tình vui vẻ của bà khi ấy, và sự đùa cợt mà chúng tôi được nhân từ cho phép trong cách xử sự với các bậc Thầy.Tôi không biết làm sao diễn tả hay hơn nét hào hứng, hân hoan của HPB so với bài viết của một ký giả báo Hartford về bà.
– Madame cười, khi viết là Madame cười thì chúng tôi có cảm tưởng như nói rằng Tiếng cười hiện diện, bởi trong tất cả những tiếng cười hân hoan, trong trẻo, dòn dã mà chúng tôi đã được nghe, đây chính là tinh túy của nó. Làm như bà là thiên tài  cho tâm tình biểu lộ bất cứ lúc nào, bởi sinh lực của bà thật là nồng đậm.
Đây là tính chất nơi chúng tôi cư ngụ, và sự trào lộng, dí dỏm, cuộc trò chuyện khôn khéo, tình bạn thân ái đối với ai mà HPB ưa thích, đầy chuyện kể và điểm thu hút nhất với khách đến chơi tức hiện tượng lạ lùng, biến ‘Lamasery - Lama viện’ thành phòng khách lôi cuốn nhất trong thành phố từ năm 1876 đến cuối năm 1878.
Việc đến chơi Lamasery có đầy vẻ hào hứng vì có cơ may là vào lúc nào đó, khách có thể thấy HPB làm hiện tượng cộng thêm với câu chuyện linh hoạt dí dỏm của bà. Khi cuộc đối thoại có lúc nghỉ ngắn, không chừng một người khác sẽ đưa ngón tay, nói ‘Yên nào !’ và khi mọi người nín thở chờ đợi, người ta nghe được tiếng nhạc trong không. Có khi âm thanh nghe mơ hồ từ xa, rồi tiến lại gần hơn, âm to dần cho tới khi tiếng nhạc thánh thót khắp phòng gần trần nhà, và sau cùng tàn đi chỉ còn lại sự yên lặng.
Hoặc có thể là HPB khoát tay có cử chỉ đường bệ và tiếng nhạc sẽ vang lên trong không mà bà chỉ tay, nghe đó là tiếng chuông trong trẻo. Có người tin rằng hẳn bà phải dấu chuông dưới áo để làm trò, nhưng câu đáp cho việc ấy là sau bữa tối, trước khi rời bàn ăn, không những tôi mà thêm mấy người nữa đã xếp một dẫy nhiều chai, lọ có nước ở mức khác nhau trong đó để khi chạm nhẹ vào chúng sẽ phát ra những âm riêng biệt; rồi chúng tôi dùng cây viết chì, lưỡi dao hay vật gì khác gõ vào cạnh của chai lọ và xin bà làm vang lại trong không gian bất cứ nốt nhạc nào phát ra từ các nhạc cụ bằng thủy tinh này. Không cái chuông nào dấu trong áo làm được việc ấy.
Lại nữa, người ta chứng kiến nhiều lần là HPB đặt tay lên thân cây, tường nhà, khung đồng hồ, đầu một người, hay bất cứ chỗ nào khác mà bà được yêu cầu, và làm chuông reo bên trong cái khối đặc mà bà chạm tay vào. Tôi với bà ngụ tại nhà ông bà Sinnett ở Simla khi tất cả chúng tôi đứng ở hàng hiên và bà tạo ra tiếng nhạc, từ xa đi lại gần chúng tôi trong không của đêm đầy sao, ngang qua thung lũng tối đen xuống sườn đồi mà căn nhà nằm trên đó. Khi khác tôi có mặt lúc bà làm chuông reo từ trong đầu một viên chức cấp lớn, và lúc khác âm phát ra bên  túi áo của viên chức cao cấp khác, ở phía bên kia gian phòng so với chỗ bà ngồi.
HPB không hề cho giải thích khoa học thỏa đáng về cách làm.Một hôm khi chỉ có hai chúng tôi trò chuyện về việc ấy, bà nói.
– Xem này, ông huýt sáo giỏi, làm sao ông tức thì tạo ra bất cứ nốt nào mà ông muốn có ?
Tôi đáp là không thể nói rõ làm sao làm được, ngoại trừ việc chúm môi theo cách nào đó và ép không khí lại trong miệng, cách thức mà phải tập nhiều năm mới làm được, sinh ra âm cùng lúc với việc tôi nghĩ đến nó.
– Nói tôi nghe, khi muốn phát ra âm có phải ông sẽ chúm môi, ép hơi thở và sử dụng bắp thịt ở cổ họng theo một cách nào đó rồi phát ra âm ?
Tôi trả lời.
– Không giống chút nào như vậy cả. Thói quen từ lâu làm bắp thịt và việc phát ra âm diễn ra tự động.
– Chính thế. Tôi nghĩ tới một nốt rồi tự động hay do bản năng tôi dùng ý chí đã tập luyện phóng ra đường dây từ não của tôi tới một điểm nào đó trong không gian; ở đó một xoáy lực được tạo ra và từ xoáy lực phát ra tiếng nốt mà tôi nghĩ. Tôi không thể giải thích rõ hơn, tôi làm được hiện tượng  nhưng không thể nói cho ông biết cách tôi làm nó. 
Hội tiến triển chậm chạp trong ba năm đầu tại Hoa Kỳ, nhiều hội viên ngã lòng và rút lui dần cho tới khoảng một năm sau đó chỉ còn vài người gồm chính yếu là hai chúng tôi (HPB, ông Olcott) và ông William Judge. Nhiều buổi tối tại trụ sở hội mà cũng là nơi cư ngụ của chúng tôi, sau khi khách đã về và hai tôi trò chuyện trong phòng sách, một điều cả hai cảm thấy càng lúc càng rõ theo với thời gian, là người này có thể hoàn toàn trông cậy vào người kia về TTH. Chúng tôi thường tự gọi mình là Đôi Theosophia (Theosophical Twins), hay có khi là bộ ba nếu kể luôn chùm hoa đăng treo trên đầu là nhân vật thứ ba ! Vào ngày rời apartment ở New York lên tầu sang Ấn Độ, lời cuối của chúng tôi là giả vờ nghiêm chỉnh từ biệt ngọn hoa đăng, người bạn không thay lòng đổi dạ !
Nếu nói rằng chúng tôi rời Hoa Kỳ và hội không còn trên đất Mỹ thì cũng đúng.Khi ấy chỉ mới có một chi bộ thành hình là chi bộ tại Anh.Ba năm vừa qua là ba năm tranh đấu vượt trở ngại, đặt nền tảng cho cấu trúc sẽ có về sau mà vào lúc đó chúng tôi chưa mơ tới. Hội gần như giảm thiểu xuống không còn gì, rồi bắt đầu sống động trở lại khi việc điều hành dời qua Ấn, và đến năm 1891 có 279 chi bộ khi HPB qua đời.
(còn tiếp)

Theo:
Old Diary Leaves, H. S. Ocott

Xem Bài Tiếp

Xem bài LỊCH SỬ HỘI trước